Chùa cổ Bái Đính – Du lịch Tràng An Bái Đính
Đi du lịch Tràng An Bái Đính thì hẳn đã có rất nhiều người đi nhưng kể cả là đã đến đây nhưng ít ai biết đến chùa cổ Bái Đính ở Ninh Bình.
Ngôi chùa độc đáo này nằm trên ngọn núi đá cùng tên cao 200m thuộc địa phận xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
Đây là kiểu chùa tối cổ của cư dân Ninh Bình, lợi dụng địa hình thiên nhiên tạo nên kiểu CHÙA HANG. Tương truyền chùa được lập bởi đức thánh Nguyễn Minh Không cách đây khoảng 1000 năm. Lễ hội của chùa được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng giêng thu hút hàng vạn khách thập phương và nhân dân trong vùng đến dự.
1. Hang Voi Phục
Trên núi Bái Đính có 3 hang. Ở lưng chừng núi có hang Voi Phục, bên trong đặt tượng Đức oong mặt đỏ, có nhiệm vụ trông coi toàn bộ cảnh chùa.
Leo hết dốc, du khách sẽ thấy bên phải là Động thờ Phật, bên trái là Động Mẫu. Động Phật còn gọi là Động Sáng (hay Hang Sáng) vì là hang thông suốt lòng núi đá ra hai cửa.
2. Động Phật
Cửa chính Phật động quay mặt hướng Tây Nam với bốn chữ đại tự tạc trên vách cửa: “Minh Đỉnh Danh Lam” (lưu danh thắng cảnh) do vua Lê Thánh Tông ban cho từ cuối thế kỷ XV khi ngài kinh lý qua đây. Có đôi tượng đồng Hộ Pháp cưỡi sư tử oai phong ngồi trấn cửa động. Lòng hang rộng 25x15m, trần gần như phẳng, cao khoảng 2m. Khu vực chính giữa là điện thờ, có đặt các hàng tượng Phật bằng đồng sáng loáng.
Cuối hang Sáng có ngách rẽ trái, thông ra cửa ở lưng chừng núi quay hướng Đông Bắc, bao quát cả thung lũng rộng, xanh mướt. Lòng hang ở đây rộng và thoáng đãng nhưng chỉ đặt ban thờ khiêm tốn với một tượng duy nhất là thần Cao Sơn bằng gỗ sơn son thếp vàng, hai tay cầm thẻ bài vua ban trước ngực.
3. Động Mẫu
Động Mẫu còn gọi là Động Tiên hoặc Động Tối (hay hang Tối) vì chỉ có một cửa hang nên càng vào sâu càng tối. Bên trong hang Tối rất rộng. Các rèm nhũ đá rủ xuống chia động thành 7 khoang thông nhau như một mê cung. Gọi là Động Mẫu vì nơi đây thờ Bà chúa Thượng Ngàn – tín ngưỡng bản địa của người Việt. Ban thờ đông đảo nhưng nổi bật tượng Mẫu Thượng Ngàn cùng với các tiên nữ phụ tá và nhiều quan tướng khác, tất cả đều là tượng gỗ cổ truyền, sơn son thếp vàng mộc mạc.
Đáng chú ý có tấm bia đá cao khoảng 1m60 ở ngay bên phải cửa Động Tiên nét chạm nay đã mờ. Truyền rằng nội dung bia là một bài thơ ca ngợi cảnh đẹp chùa Bái Đính, trong lời sấm truyền rằng, ngàn năm sau đây sẽ là nơi hội tụ của Phật tử bốn phương. Quả nhiên chùa Bái Đính đã được dựng lên, với quy mô lớn hoành tráng, được nhân dân cả nước đón nhận như một niềm tự hào của đất nước.